Hoạt động M107

Nằm trong trang bị của lục quân Mỹ; Anh; Đức; Hi Lạp; Iran; Ý; Israel; Tây Ban Nha; Thổ Nhĩ Kỳ... Đưa vào Nam Việt Nam năm 1968. Dùng trong chiến tranh vùng vịnh năm 1991.

Mặc dù M107 được Mỹ kỳ vọng rất nhiều, nhưng thực tế hiệu quả chiến đấu của khẩu pháo này tại chiến trường Việt Nam không cao. Có một số lượng khá lớn pháo tự hành M107 đã bị tiêu diệt. Trong chiến dịch Trị-Thiên tháng 3.1972, toàn bộ Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa đã ra hàng cùng với 4 khẩu M107 “vua chiến trường” còn vận hành tốt.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu được hàng trăm khẩu pháo cùng với hàng vạn viên đạn, trong đó có 12 khẩu pháo tự hành M107 175mm và cho sử dụng lại các khẩu pháo chiến lợi phẩm này. Sau năm 1975, một số lượng nhỏ M107 175mm được tập hợp thành một đơn vị cấp tiểu đoàn chiến lược. Trong cuộc chiến tranh biên giới phía Nam, pháo tự hành M107 đã tham gia vào các trận đánh tiêu diệt Khmer Đỏ ở Mộc Bài - Tây Ninh.

Ngày nay, M107 vẫn tiếp tục nằm trong trang bị pháo binh Việt Nam. Để M107 phục vụ được đến ngày nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt sửa chữa, thay thế phụ tùng như hệ thống xilanh thủy lực nâng hạ nòng pháo, đại tu các động cơ và thay thế hệ thống nguồn điện trên xe cũng như toàn bộ hệ thống dây dẫn điện trên xe chở đạn. Ngoài ra còn thay thế một số chi tiết nhỏ khác. Nhờ những cải tiến này mà các pháo tự hành M107 luôn đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, nòng pháo chỉ chịu được một số lượng phát bắn nhất định (700 đến 1.200 phát, tùy loại đạn) sẽ bị mòn và không còn đảm bảo độ chính xác. Do vậy, thời gian gần đây, pháo tự hành M107 được Việt Nam bảo quản ở trạng thái niêm cất và chỉ được sử dụng khi có các tình huống cần thiết. Cũng vì vậy nên rất hiếm khi xuất hiện hình ảnh của M107 của Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.[1]